HIV/AIDS

HIV và AIDS là gì?

Vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) khiến hệ thống miễn dịch dần dần suy yếu, làm giảm khả năng bảo vệ bản thân khỏi các bệnh khác. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, trong đó khả năng miễn dịch đã giảm đi rất nhiều nên người đó đã phát triển các biến chứng cụ thể từ các bệnh khác, được gọi là nhiễm trùng cơ hội. Thời gian chuyển sang giai đoạn AIDS là khác nhau ở mỗi người và có thể tiến triển nhanh chóng hoặc mất vài năm.

Một khi đã bị nhiễm HIV, sẽ không thể loại bỏ vi rút ra khỏi cơ thể, nhưng nếu dùng thuốc kháng vi rút (được gọi là liệu pháp kháng vi rút hoặc ART), sẽ giúp giảm lượng vi rút trong máu, và bằng cách kiểm soát điều này, nguy cơ đối với các biến chứng sẽ ít hơn và người nhiễm HIV có thể sống một cuộc sống bình thường. Thêm vào đó, họ sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, vì không có vi rút trong máu của họ. Vì vậy, người nhiễm HIV được khuyến khích điều trị ART. Việc chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị sớm là rất quan trọng.

Con đường lây nhiễm HIV phổ biến là qua tinh dịch, dịch tiết âm đạo khi quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc lây truyền từ mẹ sang con. Không có nguy cơ lây nhiễm HIV qua các hoạt động hàng ngày, làm việc hoặc đi học.

 http://www.acc.go.jp/information/mhlwinfo/surveillance.html

Làm cách nào để ngăn ngừa lây nhiễm HIV

Con đường lây nhiễm phổ biến nhất là qua quan hệ tình dục. HIV có trong tinh dịch và dịch tiết cơ thể. Sử dụng bao cao su mang lại hiệu quả cao giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục đường âm đạo và hậu môn và ít khả năng lây qua quan hệ tình dục bằng miệng. Tuy nhiên, hoàn toàn có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục bằng miệng nếu miệng bạn có vết thương và nước bọt có thể mang vi rút truyền bệnh, do đó việc sử dụng bao cao su được khuyến khích ngay cả khi quan hệ tình dục bằng miệng.

Có một phương pháp sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV trước khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, nhưng ở Nhật Bản, phương pháp này hiện không được chương trình bảo hiểm y tế quốc gia hỗ trợ và vì vậy rất tốn kém. Ngoài việc dùng thuốc kháng vi rút, việc xét nghiệm HIV và kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên về HIV là rất quan trọng.

U=U là gì?

"U = U có nghĩa là "không phát hiện là không lây truyền". Ở Việt Nam là thông điệp K = K.
Đối với người nhiễm HIV, nếu nồng độ vi rút trong máu dưới ngưỡng phát hiện, và tải lượng vi rút được kiểm soát thì sẽ không lây truyền HIV ngay cả khi quan hệ tình dục.

U = U nhấn mạnh rằng việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị ngay lập tức sẽ giúp kiểm soát tải lượng vi rút và là yếu tố quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng nhiễm HIV. Chiến dịch quốc tế này đã trở thành khẩu hiệu trên toàn cầu nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV, và cho thấy những người nhiễm HIV có thể sống bình thường và có quan hệ tình dục như những người không nhiễm HIV.

https://hiv-uujapan.org/

PEP là gì?

PEP có nghĩa là "Dự phòng sau phơi nhiễm". Đây là chương trình điều trị HIV cho những người có khả năng bị phơi nhiễm HIV và/hoặc có nguy cơ cao nhiễm HIV. PEP phải được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi có khả năng bị phơi nhiễm để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Các trường hợp được kê đơn sử dụng PEP bao gồm các nhân viên y tế có khả năng phơi nhiễm HIV tại nơi làm việc, ví dụ các vết thương do kim tiêm; hoặc khi một người nhận ra bạn tình của họ là người nhiễm HIV.

Khi bạn sử dụng PEP, bạn phải dùng thuốc điều trị HIV đủ 28 ngày liên tục.

Ai có thể sử dụng PEP

Nếu bạn có các hoạt động tình dục có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (ví dụ: Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su) với một người đã hoặc có thể nhiễm HIV, bạn có thể đủ điều kiện tham gia PEP trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm.

Nếu bạn đã dương tính với HIV hoặc nếu bạn biết rằng bạn tình của mình là âm tính với HIV và đảm bảo không có rủi ro thì bạn không cần phải sử dụng PEP. Cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu PEP.

 http://www.acc.go.jp/general/pep_jpn.html

Quy trình và thời gian sử dụng PEP như thế nào?

PEP sử dụng phương pháp điều trị tương tự như những người nhiễm HIV, được gọi là liệu pháp kháng virus (ART). Phương pháp điều trị này bao gồm 3 loại thuốc phải dùng trong 28 ngày.

Khi bắt đầu PEP, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Trong một số trường hợp, bạn có thể bị dị ứng hoặc giảm chức năng gan và thận. Việc tái khám sau 14 ngày rất quan trọng để kiểm tra các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Sau khi bác sĩ kiểm tra, bạn sẽ được kê đơn thuốc 14 ngày còn lại.

Hiện nay, việc kê đơn ART cho những người muốn sử dụng PEP hiện không được chấp thuận ở Nhật Bản. Thuốc ART không nằm trong trợ cấp Bảo hiểm Y tế Quốc gia, và do đó, để được điều trị, bệnh nhân phải trả tiền thuốc, phí tư vấn và xét nghiệm.

PrEP là gì?

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một biện pháp dự phòng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV bằng việc sử dụng thuốc kháng vi rút ngay cả khi bạn không nhiễm HIV.

Mọi người không nên sử dụng PrEP như biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục, PrEP chỉ hiệu quả trong tình huống có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP không đảm bảo bảo vệ bạn 100% khỏi lây nhiễm HIV, do đó, bạn vẫn nên sử dụng bao cao su cả khi đang sử dụng PrEP.

Hiện có hai loại thuốc kháng vi-rút đang được sử dụng rộng rãi cho PrEP. Nhiều phương pháp sử dụng PrEP và điều trị vẫn đang được phát triển, và chúng ta hi vọng sẽ có nhiều phương pháp khác nhau trong tương lai.

Ai có thế sử dụng PrEP?

PrEP phù hợp với những người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Nếu như bạn tình của bạn nhiễm HIV nhưng chưa tham gia điều trị HIV, gần đây bạn phát hiện ra mình nhiễm STI và bạn không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn tình, nghĩa là bạn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và có thể sử dụng PrEP.

Không phải ai có quan hệ tình dục đều cần dùng PrEP. Xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về các rủi ro trước khi sử dụng PrEP.

Lưu ý khi sử dụng PrEP

Cần phải uống thuốc trước khi có hoạt động tình dục (trước khi tiếp xúc), nếu quên uống thuốc hoặc uống sai cách sẽ không đạt được hiệu quả đầy đủ.
Chỉ sử dụng PrEP theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, PrEP không bảo vệ bạn 100% khỏi lây nhiễm HIV, cũng như các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác. Do đó, bạn nên sử dụng PrEP và bao cao su đồng thời khi quan hệ tình dục.

Khi bạn dự định dừng sử dụng PrEP, hãy tuân theo các chỉ định của bác sĩ. Bạn nên thường xuyên đến cơ sở y tế để kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc kháng vi-rút và tình trạng nhiễm HIV. Nếu bạn tự ý sử dụng thuốc, bạn sẽ có nguy cơ bỏ qua các biến chứng nghiêm trọng và/hoặc có khả năng kháng thuốc kháng HIV, thuốc mất tác dụng. Việc sử dụng thuốc kháng vi-rút cho mục đích phòng ngừa vẫn chưa được chấp thuận ở Nhật Bản, do đó, ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc PrEP bằng cách mua trực tuyến. Điều này không được khuyến khích về mặt y tế. Hãy tuân theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Làm cách nào để có thể xét nghiệm HIV

Khi nào?

Trong giai đoạn đầu tiên, giai đoạn cấp tính của nhiễm HIV, các triệu chứng như sốt cao và phát ban có thể xuất hiện trong 2 đến 6 tuần đầu tiên, nhưng các triệu chứng sẽ sớm biến mất và các dấu hiệu nhiễm trùng thường không được chú ý. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, hãy làm xét nghiệm HIV nếu bạn cảm thấy lo lắng.

Xét nghiệm HIV là miễn phí và ẩn danh tại hầu hết các trung tâm y tế công cộng trên toàn quốc. Các cơ sở xét nghiệm có thể thực hiện việc "trả kết quả trong ngày" giúp bạn biết kết quả ngay trong ngày. Gần đây, xét nghiệm HIV bằng bộ dụng cụ xét nghiệm gửi qua thư đã trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Bạn cũng có thể làm xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế. Bạn có thể bị nhiễm cùng lúc nhiều nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Hãy chủ động tới khám tại các cơ sở y tế để biết thêm thông tin.

Sự thông báo

Do đang thực hiện các biện pháp giãn cách trong đại dịch COVID-19, các cơ sở xét nghiệm HIV nghiệm có thể không làm việc. Nếu bạn có bất kỳ sự lo lắng nào và muốn xét nghiệm HIV, vui lòng truy cập trang web của trung tâm y tế công cộng và xem rõ thời gian làm việc trước khi đến khám.